Độ phân cực của liên kết, hoá trị của nguyên tố.
Bài toán so sánh độ phân cực của các liên kết là bài toán tương đối phổ biến trong các đề thi. Muốn làm tốt dạng toán này cần nhớ:
I. ĐỘ PHÂN CỰC CỦA LIÊN KẾT HÓA HỌC
Để xác định độ phân cực của liên kết hóa học có thể dựa theo 2 cách:
- Định lượng: dựa vào hiệu độ âm điện của 2 nguyên tử tham gia liên kết. Theo cách này, hiệu độ âm điện càng lớn thì liên kết càng phân cực.
- Định tính: độ phân cực của liên kết tăng dần theo dãy: liên kết cộng hóa trị không phân cực < liên kết cộng hóa trị phân cực < liên kết ion.
Chú ý:
- Chỉ dùng cách định lượng khi bài cung cấp giá trị độ âm điện của các nguyên tố.
- Cần phân biệt sự phân cực của liên kết với sự phân cực của các phân tử:
+ Các hợp chất ion là các phân tử có cực.
+ Các hợp chất chỉ có liên kết cộng hóa trị không phân cực là các phân tử không cực.
+ Các hợp chất chứa liên kết cộng hóa trị phân cực có thể là phân tử phân cực hoặc không. Cụ thể là nếu tổng vectơ phân cực bằng vectơ không thì phân tử không phân cực, còn nếu tổng vectơ phân cực khác vectơ không thì phân tử đó là phân tử có cực.
Những phân tử phân cực thì dễ tan trong dung môi phân cực như nước chẳng hạn, còn các phân tử không phân cực thì dễ tan trong dung môi không phân cực như CCl4
II. HÓA TRỊ CỦA NGUYÊN TỐ TRONG CÁC LOẠI HỢP CHẤT
Tuỳ loại hợp chất mà một nguyên tố có thể có hoá trị khác nhau.
- Hóa trị của nguyên tố trong hợp chất ion gọi là điện hoá trị được tính bằng điện tích của ion đó (chú ý số trước dấu sau). Ví dụ trong NaCl thì Na có điện hoá trị 1+ còn Cl có điện hoá trị là 1-.
- Trong hợp chất cộng hóa trị, hóa trị của một nguyên tố được xác định bằng số liên kết của nguyên tử nguyên tố đó trong phân tử và được gọi là cộng hóa trị của nguyên tố đó. Ví dụ trong phân tử HCl thì H và Cl đều có hoá trị là 1. Chú ý rằng các nguyên tố ở chu kỳ 2 chỉ có thể có hoá trị tối đa là 4.
0 nhận xét | Viết lời bình